1. Dùng tên cá nhân để đặt thương hiệu
Việc dùng chính tên của mình để đặt tên thương hiệu có lẽ không còn xa lạ gì nữa. Tuy nhiên, chính vì quen thuộc nên rất dễ bị lu mờ trong mắt người tiêu dùng. Do đó, khi dùng tên cá nhân để đặt cho thương hiệu, bạn cần phải làm mới và tạo một cái tên thật độc đáo, dễ nhớ, dễ ăn sâu vào tiềm thức người tiêu dùng. Ngoài việc dùng tên thật, bạn cũng có thể sử dụng những biệt danh, đại từ xưng hô thường gọi của mình để kết hợp đặt tên cho thương hiệu ví dụ như: Cô Ba, Chị Bảy,…
2. Dùng chính đặc trưng sản phẩm để đặt tên
Cách đặt tên này cũng có thể được hiểu là bạn bán cái gì, làm dịch vụ gì thì đặt tên theo cái đó, ví dụ như: Dịch vụ môi giới việc làm, cửa hàng ăn uống,… Đây là lẽ là cách đặt tên kinh điển nhất trong 12 cách được nêu ra ở bài viết này. Tuy nhiên, phương pháp đặt tên này chỉ phù hợp với những mặt hàng kinh doanh còn mới, it cạnh tranh trên thị trường thì mới thu hút khách hàng. Ưu điểm của cách đặt tên này là khi nói đến, người tiêu dùng sẽ biết được thương hiệu của bạn làm về cái gì, có phải là cái mà họ đang tìm hay không.
3. Đặt tên thương hiệu theo địa chỉ, địa danh
Bún bò Đò Trai, Gốm Bát Tràng, Lụa Hà Đông,…là những cái tên quen thuộc mà khi nhắc đến, ai cũng biết nó ở đâu và đó là sản phẩm gì. Đây là những ví dụ điển hình cho việc đặt tên thương hiệu theo địa chỉ hay địa danh mà Doanh nghiệp bạn đóng ở đó. Ngoài việc sử dụng tên, bạn cũng có thể sử dụng số nhà, số ngõ,…để đặt cùng sẽ tạo sự khác biệt và ấn tượng với người tiêu dùng.
Một số cách đặt tên thương hiệu theo địa chỉ, địa danh mà bạn có thể tham khảo như là:
- Kinh doanh đặc sản: Lấy tên địa phương của đặc sản đó để làm tên thương hiệu hoặc tên cửa hàng cho mình. Ví dụ: Cháo lươn Nghệ An, Vịt cỏ Vân Đình, Mè xửng Huế, Chè Thái Nguyên,…
- Lấy tên địa danh làm chỉ dần nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Ví dụ: Đồng Tâm Long An,
- Nếu sản phẩm của bạn là liên doanh, có thể dùng tên ghép của các nước để đặt tên thương hiệu. Ví dụ: Việt-Nhật, Việt-Hàn,…
- Dùng tên tỉnh thành để làm tên cửa hàng, tên thương hiệu. Ví dụ: Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn,…
4. Dùng từ viết tắt để đặt tên thương hiệu
Đa phần phương pháp dùng từ viết tắt để đặt tên thương hiệu là bắt nguồn từ tên đầy đủ bằng Tiếng Anh của thương hiệu đó. Cách này hiện đang được sử dụng rất phổ biến tại Việt Nam, điển hình như các thương hiệu nổi tiếng đó là: Vinaphone, Vinamilk, Vinaconex, Vingroup,…chữ Vina hay chữ Vin đều là viết tắt của chữ Việt Nam, cộng thêm vế sau là tên sản phẩm, dịch vụ của Doanh nghiệp. Hoặc một cách khác là dùng từ viết tắt các chữ cái đầu tiên trong tên tiếng anh như: ACB (Ngân hàng Á Châu), ICP (Internation Consumer Product),…
5. Đặt tên theo đặc điểm của cửa hàng
Phương pháp này phù hợp để đặt tên cho cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí hơn là những sản phẩm khác. Những cửa hàng nổi bật về vị trí, phong cảnh hay trước quán đó có đặc điểm nào đấy dễ nhận diện thì bạn có thể dùng chính nó để đặt tên cho cửa hàng của bạn. Ví dụ như: Quán Cây Si, Tiệm bánh Cối Xay Gió, Café Cây Đa,…
6. Đặt tên cửa hàng theo quy mô
Cách đặt tên này dùng cho những thương hiệu kinh doanh nhiều mặt hàng của chủng loại. Bạn có thể dùng một số từ như: Thế giới, Siêu thị,…để khách hàng cảm thấy rằng nơi đây có đầy đủ mọi thứ mà họ cần. Phương pháp này phù hợp với những cửa hàng lớn, những cửa hàng quy mô nhỏ hơn không nên sử dụng vì khách hàng sẽ cảm thấy mình bị lừa và họ không có thiện cảm với cửa hàng của bạn, không quay lại mua hàng.
7. Đặt tên thương hiệu theo sự liên tưởng
Sự liên tưởng ở đây có nghĩa là khi nói đến nó của bạn, người tiêu dùng sẽ hình dung ngay là bạn đang bán gì và công dụng của sản phẩm đó ra sao. Để làm được điều này, bạn phải thật sự hiểu rõ về đặc điểm cũng như những lợi ích mà nó mang lại cho khách hàng. Ví dụ như bạn bán quạt sưởi thì có thể đặt tên là “Ấm áp mùa đông”, bán máy lạnh, tủ lạnh có thể đặt là “Cơn lốc mùa hè”,…
8. Đặt tên thương hiệu theo các danh từ gợi nhắc
Một hình ảnh, một sự vật hay sự việc đều có ý nghĩa riêng của nó. Và đây cũng chính là lý do các danh từ gợi nhắc rất hay được sử dụng để làm tên thương hiệu. Có thể kể đến một vài ví dụ như:
- Các loài vật: Mỳ Gấu Đỏ, Phomai Con bò cười,…
- Các loài hoa: Thời trang Tulip,…
- Các vì sao: Sao Kim, Sao Thủy,…
- Các vị thần: Venus, Zeus, Mặt Trời,…
9. Tên thương hiệu tạo cảm giác tò mò
Khi nhìn vào tên thương hiệu kiểu này, có thể bạn sẽ không hiểu nó mang ý nghĩa gì và tạo sự tò mò làm bạn muốn khám phá chúng. Thực ra nếu phân tích thì nó là viết tắt của những từ có nghĩa ghép lại. Ví dụ như BaDuNo là tên của 1 cửa hàng bán Bánh Đúc, BaDu là được trích ra từ “Bánh Đúc”. Nghe thật lạ tai phải không? Đây cũng là một cách thu hút sự chú ý của khách hàng với thương hiệu của bạn và gây ấn tượng với họ.
10. Dùng tính từ để đặt tên thương hiệu
Trong kinh doanh, ai cũng muốn công việc của mình thuận buồm xuôi gió, chính vì thế mà những cái tên như Tài Lộc, Thịnh Phát, Thịnh Vượng,…cũng hay được sử dụng để đặt tên thương hiệu. Ở Việt Nam, một số thương hiệu nổi tiếng sử dụng cách đặt tên này đó là: Hòa Phát, Hiệp Phát, Hòa Bình, Tiền Phong, Tiên Phong,…
11. Dùng tiếng nước ngoài để đặt tên
Tiếng nước ngoài khi đọc lên nghe có vẻ như rất chuyên nghiệp và những sản phẩm, dịch vụ của bạn khá cao cấp đúng không? Đây là một trong những lý do cách đặt tên này được ưa chuộng ngay cả khi thương hiệu đó là của người Việt. Cách đặt tên này vừa giúp thương hiệu của bạn không trùng lặp, mới lạ, nghe sang chảnh và thu hút người tiêu dùng.
Một số thương hiệu dùng từ tiếng nước ngoài có thể kể đến như là: Owen, Adam Store, Torano,… Vừa ngắn gọn, ý nghĩa mà lại dễ thu hút sự tò mò của khách hàng.
12. Tránh hiểu sai ngữ nghĩa vùng miền khi tạo tên thương hiệu
Mỗi địa phương, mỗi vùng miền thường có cách phát âm hay ngôn từ riêng. Do vậy, một lưu ý khi đặt tên thương hiệu là bạn không nên dùng những từ tối nghĩa hoặc có quá nhiều người, dễ gây ảnh hưởng đến tiềm thức người tiêu dùng. Một ví dụ điển hình cho việc này là hãng hàng không Air Speed Up nghĩa là Tăng Tốc. Nhưng khi được in lên các phương tiện truyền thông thì lại thành “Tang Toc” mang hàm ý kém may mắn. Do đó trong quá trình kinh doanh, hãng hàng không này đã gặp không ít khó khăn.
Sẽ chẳng có gì là khó khăn nếu bạn thật sự muốn làm và làm đến cùng. Không có con đường thành công nào đã trải sẵn hoa hồng chờ bạn bước qua cả, có gian nan, có thử thách thì kết quả bạn nhận về sẽ xứng đáng với những gì bạn đã làm. Hy vọng với những bí quyết đặt tên thương hiệu ở trên, bạn sẽ chọn được cho Doanh nghiệp 1 cái tên thật độc đáo mà lại dễ nhớ nhé!